GIA PHẢ CÓ 39 THÀNH VIÊN

CHI  VĂN VIẾT LÀNG TRIÊM ÂN-PHÚ MẬU-PHÚ VANG
Photo
Ls: Văn Viết Lộc

Đôi lời vào tập.                                                                        
            Gia phả là lịch sử  của một gia đình, của một dòng họ. Thời trước họ nào cũng có gia phả, con cháu phải luôn gắng sức giữ gìn xem như là vật “Gia bảo” của Tổ tiên bao đời truỵền lại, là những điều hay lẽ phải mà Tổ tiên muốn gởi gắm cho con cháu muôn đời sau.
Hiện nay, sau bao năm chiến tranh loạn lạc, nên nhiều họ không còn gia phả con cháu nhiều lúc cùng ở trong một địa phương vẫn không biết nhau, không còn nhận ra quan hệ họ hàng ruột thịt, nên nghĩa tình ngày một nhạt phai.
           Ông Dã Lan Nguyễn Đức Dụ, trong quyển “Một lối chép gia phả thật đơn giản” đã có nhận định xác đáng về gia đình và gia tộc như sau:
«Phạm vi của gia đình không phải chỉ có vỏn vẹn một ít người là cha mẹ, con cái, mà thật ra nó bao gồm cả tổ tiên, cụ kỵ, ông bà của chúng ta nữa. Bởi vậy, nếu mọi người không muốn cho con cháu của mình thành những người lạc lõng giữa một tập thể quốc gia rộng lớn và lúc sống cũng như khi chết không đến nỗi mờ mịt với nguồn gốc cội rễ của tổ tiên, ông bà, thì mình phải có bổn phận phục hồi lại tất cả những gì nó liên quan tới những người đã khuất (là tổ tiên cụ kỵ…)
             «Vậy thì 2 tiếng gia đình chỉ có thể biểu lộ đầy đủ được ý nghĩa của nó khi bao gồm cả người chết (Tổ tiên) và người sống (con cháu). Như thế khi nhắc đến gia đình, hiển nhiên còn phải nhắc đến nhiều người khác đã chết từ lâu, trước cả ông bà cha mẹ của mình - nhưng lại có rất nhiều công lao xây đắp nền móng cho cái gia đình mà mình đang hiện diện trong đó. Hơn nữa, thuật lại những gì đã xảy ra ở trong gia đình, cũng không phải là chỉ kể câu chuyện hiện tại xảy ra ngay trong đời sống của mình, mà còn phải nhắc đến nhiều sự việc liên quan tới gia đình từ trước kia ở xa mãi bên trên cả ông bà cha mẹ mình nữa. Những sự việc không tên ấy là một chuỗi dài lịch sử xẩy ra nhiều năm về trước dệt thành một tấm màn dày đặc che kín một khoảng trống thật lớn ở bên trong gia đình mà những kẻ làm con cháu chưa hề được biết tới bao giờ…»
           Xem thế, mới hay rằng phục hồi Gia Phả là việc cần kíp nên làm. May mắn thay, Họ Văn Viết …chúng ta còn lưu giữ được phần sơ lược tộc họ từ đời ông Cao tằng tổ khảo Văn Viết Hội (Đời thứ 1) cho đến hết đời thứ 6. do Ông Văn Viết Quế (đời thứ 5) Phụng lập.
Về vấn đề thứ bậc trong Gia tộc ông Nguyễn Đức Dụ cũng viết thêm rằng:
               «Gia tộc Việt Nam xưa nay chia làm hai bậc: một là nhà hay tiểu gia đình, gồm cha mẹ vợ chồng con cái; hai là họ hay đại gia đình, gồm tất cả mọi người cùng chung một ông tổ sinh ra, kể cả người chết và người sống, tức là «gia tộc», gồm có một chi trưởng với  nhiều chi thứ. Những người liên hệ trong một gia đình thì thường là cụ, kỵ, ông bà rồi đến cha mẹ, còn ở bên trên nữa thì có ông Cao tổ cho đến Thủy tổ. Còn ở dưới thì có con, dưới con có cháu dưới cháu là chắt, và dưới chắt là chút (hoặc huyền tôn), cho đến ở xa dưới nữa thì đều gọi chung là viễn tôn.  Từ Cao tổ trở xuống đến huyền tôn thì gọi là Cửu tộc.»
             Như vậy, tính từ thời Ông Cao tằng  Tổ khảo Văn Viết Hội cho đến nay, dòng họ Văn Viết …chúng ta đã truyền đến đời Huyền tôn (chút).
Cửu tộc. Chín đời họ Văn Viết …đã và đang được con cháu kế thừa đời trước và truyên dẫn cho đời sau.
Người tiếp tục công việc này, chỉ mong đem một chút tấm lòng vì sự nghiệp của cha ông mà ghi lại. Mong  mỏi được sự đóng góp  của Chú, Bác, O, Gì, bà con Nội, Ngọai quan tâm chỉ bảo để sớm hoàn thành một cuốn Gia Phả như ý nguyện tâm huyết của cha ông.
Thành Phố Hồ Chí Minh tháng 03 năm 2005
                                                                                                              Văn Viết Lộc
  Phụ chú:
         Chi  Văn Viết làng Triêm Ân, theo truyền khẩu của các bậc tiền bối- (Ngài Hiển Tổ của Ông Văn Viết Lộc)- thì Chi Phái này có nguồn gốc với Tộc Văn Viết tại làng Hà Trung-Phú Vang Thừa Thiên-Huế. Do tha phương lâu đời nên gia phả chỉ biết tên Ngài Thế Tổ của Chi Phái là Ngài Văn Viết Hội. Theo Gia Phả Tộc Văn Viết Làng Hà Trung có tên Ngài Văn Viết Hội  thuộc đời thứ 7 của phái Nhì do ông Văn Viết Tô sinh hạ. So sánh với toàn phả hệ của tộc Văn Viết làng Hà Trung có 17 đời và toàn phả hệ của Chi Văn Viết làng Triêm Ân có 9 đời, xem ra có sự trùng hợp đáng ghi nhận. Tuy nhiên phần sinh hạ của  Ngài Văn Viết Hội của hai bản phả của Hà Trung và Triêm Ân thì không trùng lập.
Chúng tôi xin trích sao 06 đời cây phả hệ Chi Văn Viết làng Triêm Ân, để tiện việc khảo cứu đối chiếu với Tông đồ phả hệ Tộc Văn Viết Hà Trung. Mong tìm ra cội nguồn.
BCH Tộc Văn TT-Huế
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây