GIA PHẢ CÓ 108 THÀNH VIÊN

TỘC VĂN LÀNG AN BẰNG-PHÚ VANG
Photo
Nhà Thờ Tộc Văn Đình Làng An Bằng
Văn Viết Thiện
 
SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
 
I.     Bối cảnh xã hội và làng An Bằng được hình thành
Theo bài viết của Ông Văn Đình Xuân về bối cảnh xã hội và làng An Bằng được hình thành trong cuốn AN BẰNG LÀNG XƯA TÍCH CŨ và tư liệu lịch sử dân tộc. Chúng tôi xin tóm lược sự hình thành của làng An Bằng như sau:
          Nguyên vào cuối thế kỷ thứ 16, Nguyễn Hoàng vào trấn thue Thuận Hóa (1558). Năm 1569, ông lại ra Thanh Hóa chầu vua Lê. Qua năm 1570, một số lái buôn người thôn An Ba, xã Cừ Hà, phủ Tân Bình (nay là Đồng Hới-Quảng Bình) đi thuyền ra buôn bán tại Thanh Hóa. Trong số đó có ba người Nguyễn Quý công, Trần Quý công, Hoàng Quý công. Ba vị này đứng ra tình nguyện dùng thuyền trường đà chở Chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) vào Ái Tử, lại làm hướng đạo đưa Ngài đi đánh dẹp Mỹ Quận Công và tham gia trừ Lập Quận công Nguyễn Bạo (tướng của nhà Mạc). Sau khi xong việc, năm 1571 ba Ngài đưa vợ con và bạn bè vào miền biển huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong, lập nên làng xóm đặt tên là làng An Đôi. Nhờ có công lao phò tá, Chúa cho dân làng được miển thuế má, sưu dịch, hàng năm chỉ nộp cá cảm (cá cơm) làm lễ phẩm kỵ giỗ nơi tôn miếu. Họ được trưng miền ven bờ từ cửa Eo đến Cảnh Dương. Dưới thời Ngãi Vương Nguyễn Phúc Trăn (tức Nguyễn Phúc Thái 1687- 1691) vì kỵ tên húy của mẹ là bà Tống Thị Đôi, nên phường An Đôi được đổi thành An Bằng. Cái tên phường An Bằng thuộc tổng Diêm Trường, huyện Phú Vang ra đời từ đó.
Đến năm Minh Mạng thứ 20 (1839), theo cuộc cải cách làng xã, làng An Bằng thuộc về tổng Kế Mĩ và bắt đầu tổng kê dân số, đất đai, ghe thuyền để thu thuế. Làng An Bằng kể từ đó bắt đầu chịu mọi sưu thuế như những làng xã khác.
 
II. Các họ khai canh, khai khẩn của làng
 
Theo tờ khai các hiệu thần và các ngài khai canh của làng xã vào năm Duy Tân thứ 7 (1913), thì làng An Bằng không có hiệu thần, nhưng dân làng đã lập miếu thờ 3 vị thủy tổ khai canh làm thần làng, và được các ngài bấy giờ khai như sau:
- Vị thứ nhất: Nguyễn Quý công, húy là Lĩnh. (Có mộ phần và con, cháu tại làng).
- Vị thứ hai: Trần Quý công. (Không rõ tên húy và không có mộ phần, con cháu tại làng).
-Vị Thứ ba: Hoàng Quý công. (Không rõ tên húy và không có mộ phần, con cháu tại làng).
3 vị cùng thờ chung một miếu. (am Thành Hoàng).
          Theo Mục lục Hương Phổ ấp An Bằng, sau khi lập tờ khai năm Duy Tân thứ 7 (1913), các ngài được phong tặng như sau:
-    Khai canh Nguyễn Đại lang, sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần.
-    Khai canh Trần Đại lang, sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần. 
(Nguyên mộ phần và con, cháu đều không lưu truyền).
-    Khai canh Hoàng Đại lang, sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần.
 (Nguyên mộ phần và con, cháu đều không lưu truyền).
Đến năm Khải Định thứ 2 (1917), làng được phong tặng thêm một vị khai canh, vì một trong những người xin chúa Tiên cho lập nghiệp ở vùng đất này có Trương Quý công, nhưng đã không khai trong lần khai năm Duy Tân thứ 7 (1913).
Vị khai canh thứ tư và 3 vị khai khẩn là:
-         Khai canh Trương Đại lang, sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần.
-         Khai khẩn Lê Văn Tần Đại lang, sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần.
-         Khai khẩn Văn Mô Đại lang, sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần.
-         Khai khẩn Đào Văn Chất Đại lang, sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần.
(Được biết, trong hồ sơ còn thấy một số đơn xin cấp sắc bằng đề năm Duy Tân thứ 3 (1909), vì sắc bằng cũ bị mưa bão làm hư-nát.)
 (Theo:  An Bằng Làng Xưa Tích Cũ –Văn Đình Xuân)
TỘC VĂN ĐÌNH LÀNG AN BẰNG-VINH AN-PHÚ VANG

VIẾT VỀ THUỶ TỔ CỦA DÒNG HỌ
I.-Phả Ký
Văn Đình Xuân-Văn Viết Thiện
A.-Sự hình thành và phát triển
         Năm 1307, cuộc cưới gã Công Chúa Huyền Trân với Vua nước Chiêm, phần đất thuộc hai Châu cực Bắc của nước Chiêm (Châu Ô - Châu Rí) thuộc về Đại Việt (Việt Nam), trong đó có Tỉnh Thừa Thiên-Huế ngày nay.
        Năm 1532 Nhà Hậu Lê do tướng thần Nguyễn Kim mưu sự khôi phục lại, nhưng sự nghiệp chưa thống nhất hoàn toàn thì tướng thần Nguyễn Kim qua đời, quyền hành phải giao cho Trịnh Kiểm tiếp tục khôi phục Nhà Lê. Khi sự nghiệp được hoàn thành chẳng bao lâu, thì những nghi kỵ về quyền lực chốn quan trường âm thầm diễn ra một cách quyết liệt. Dẫn đến giải pháp tạm tránh xa chốn quan trường của Nguyễn Hoàng, bằng cách xin trấn thủ xứ biên cương ở phía Nam là Thuận Châu và Hoá Châu  ( Thuận-Hoá ).
Sau khi nhà Trịnh đánh bại nhà Mạc, Nguyễn Hoàng về kinh đô chúc mừng Vua Lê, trong thời gian ở lại xứ Bắc giúp vua Lê tiểu trừ giặc loạn (1552-1559), Nguyễn Hoàng đã gần gủi với Chúa Trịnh hơn nên thấy rỏ kế sách của Chúa Trịnh đối với mình, bằng cách cố giữ chân để kềm hãm và kiểm soát mình, nên Ngài khéo dùng kế để thoát khỏi sự kềm hãm của nhà Trịnh, và thoát được về Thuận Hoá năm 1600. Trong chuyến trở về Thuận Hoá của Tổng Trấn Thuận Quảng Đoan Quận Công - Nguyễn Hoàng, đã đưa đẩy Tổ Tiên của người An Bằng ngày nay vốn thuộc Huyện Khang Lộc, Phủ Quảng Bình, đã đưa bản bộ của Tổng Trấn Nguyễn Hoàng vào Dinh Cát ở Ái Tử, rồi lại đưa Tổng Trấn-Nguyễn Hoàng cùng đoàn tuỳ tùng đi thám sát các vùng Thuận-Quảng mà có được cơ duyên với vùng đất An Bằng ngày nay.
        Từ đó, các Họ Tộc lần lượt hiện diện trên mãnh đất An Đôi nay là An Bằng đã trãi qua gần 500 năm, trong đó có Tổ Tiên của Họ Tộc-Văn Đình chúng ta.
Hiện nay các Họ Tộc tại làng gồm tất cả 42 họ tộc, và giử được nét tương quan mật thiết với nhau, mỗi họ tộc là một đơn vị của Làng, trong tương giao đối với nhau bằng lễ nghĩa theo truyền thống.
        Nhìn lại theo cảnh tượng của một vùng hoang sơ, cách trở trước đây, chúng ta không khỏi ngậm ngùi với những can trường chịu đựng mà Tổ Tiên chúng ta xưa đã phải trãi qua, để đến hôm nay chúng ta có được một quê hương để tự hào là nơi sinh trưởng, một dòng tộc của huyết thống, một mái gia đình để nương tựa, thương yêu, là cả một công trình kiên trì vun bồi gìn giữ, và phải vượt qua những đói rét, tai ương của chiến tranh loạn lạc người mỗi nơi, nhưng rồi cũng hướng về để vun bồi quê cha đất tổ và chăm sóc tổ tiên họ tộc. Có người khi cuối đời cũng tha thiết muốn được đem về để được nằm trên mãnh đất quê hương cùng tiên tổ.....
Việc ghi lại Gia Phả hay Phổ Hệ là một việc làm có ý nghĩa chăm sóc dòng tộc huyết thống, và phát huy tính chất huyết thống mà Tổ Tiên đã trao truyền, để cho những thế hệ sau biết được cội nguồn huyết thống Tổ Tiên, và thể hiện tinh thần " Một giọt máu đào, hơn ao nước lã".
      Vì vậy, muốn cho con cháu hiểu sâu về cội nguồn huyết thống của Tổ Tiên, thiết tưởng hảy phổ biến phả ký trong phạm vi con cháu thuộc dòng tộc, để cho con cháu có cơ hội tìm hiểu về Tổ Tiên của mình một cách sâu rộng hơn, có như thế con cháu mới có được niềm kính ngưỡng về Tiên Tổ cội nguồn một cách sâu sắc bằng tâm thức của mình, chứ không là hình thức bề ngoài một cách máy móc, để rồi chỉ cần một chút không bằng lòng, vừa ý mình mong muốn, là trở thành chia lìa xa cách, mà hãy nhận thức một cách ý thức trong tinh thần huyết thống, để vượt thắng được những ngăn cách do tự ái, mặc cảm trong nhất thời của mình nếu có, mà bảo toàn Họ Tộc .
         Hai " Câu Đối "  được thiết trí tại Từ Đường Đại Tộc Văn Đình chúng ta, mang nội dung súc tích và nhắn gởi với các thế hệ tương lai cháu chắt rằng:
- Bằng Cư Lương Đống Phụng Tổ Tiên.
- An Định Giang Sơn Duy Thổ Nghiệp.
 
B.-Nguồn gốc
 (Sự tích được truyền tụng trong con cháu thuộc họ tộc về sự có mặt của Ngài Thủy Tổ Văn Đình tại làng An Bằng như sau):
Chuyện Kể:
         Vào khoản năm 1607 ?, dưới thời vua Lê Kính Tông, xứ Thuận Hoá do Tổng Trấn Đoan Quận Công-Nguyễn Hoàng trấn thủ, là thời điểm thanh bình, thạnh trị ở xứ Thuận Hoá, dân cư ngày càng đông đúc.
Ngài Thủy Tổ, Văn Đình - Đại Lang (*1 ) đã đi vào vùng đất An Đôi ( nay là làng An Bằng) thuộc huyện Phú Vinh ( nay là huyện Phú Vang). Khi Ngài cùng với những đồng hương nghe rằng là vùng đất được Chúa Nguyễn biệt đãi không sưu thuế, đinh dịch; là vùng đất có cửa biển, rừng cây, lại có những nơi có thể canh tác thành ruộng, nương để trồng trọt hoa màu, là vùng đất lý tưởng cho những người di cư tìm đất mới, nên Ngài cùng với những vị đồng hương khác đã vào đây xem xét tình hình.
       Sau một thời gian, Ngài trở về quê để thu xếp gia đình, rồi Ngài trở vào đồng thời mang theo 3 bộ hài cốt (*2) và đã được tái an táng tại làng.
      Qua thời gian, Ngài kết duyên ? với người Họ....? rồi sinh hạ được 2 vị là: Ngài Văn Đình Cọng và Ngài Văn Đình Đổng, từ đó sự truyền thừa huyết thống nối tiếp cho đến hôm nay.
      (Hiện nay 3 bộ hài cốt mà Ngài Thượng Thỉ Tổ mang vào được an trí chung một lăng, đó là lăng Thủy Tổ Họ Tộc Văn Đình tại xứ Lùm Bùi làng An Bằng).
       Trong chiến tranh khi quân Pháp trở lại tái chiếm Đông Dương. Quân Pháp thường đốt phá khắp nơi, ngôi nhà của vị Trưởng Họ đã bị cháy vì vậy mà Gia Phổ cũng bị cháy theo. Nên ngày 15 tháng 8 năm ( Quí Mão ) 1963, Cô Bác Họ Tộc phụng lập lại Gia Phổ của Họ Tộc, do không nhớ được chi tiết các bậc cao hơn lại không còn gia phổ để tra cứu, chỉ nhớ được chư vị đứng đầu 5 Nhánh thuộc Thế Hệ Thứ 4, do Phổ Hệ của các Nhánh/Phái còn lưu lại. Nên Cô Bác đành thống nhất tôn Ngài Thủy Tổ lên Thượng Thủy Tổ, chư vị Tiên Tổ lên hàng Thỉ Tổ, và hàng Tiên Tổ là mốc điểm chia thành 5 Nhánh.
     ( Trong lần Phụng Tu Gia Phổ lần Thứ 2:  ngày 20 tháng 11 năm ( Đinh Sửu ) 1997. Đã tôn chư vị đứng đầu 5 Nhánh đầu tiên lên Phụng Thờ tại nhà thờ Đại Tộc. Mộ phần cũng được đưa lên Đại Tộc chăm sóc ).
      Nay con cháu của họ tộc Văn Đình có nguồn gốc từ làng An Bằng cư trú ở một số Tỉnh, Thành trên lãnh thổ Nước Việt Nam như: Hà Nội (Văn Đình Lãm). Thành phố Huế. Đà Nẳng.  Vũng Rô - Khánh Hoà.  Nha Trang.  Phan Thiết.  Thành phố Hồ Chí Minh.  Và các nước trên thế giới như: Mỹ, Úc, Canada....?
Ghi chú:
(*1)  Không rỏ nơi xuất xứ chính xác, chỉ được truyền lại là "từ Thanh Hoá-Nghệ An vào.  Hiện nay vẫn chưa rỏ danh tánh của Ngài, chỉ nhớ phổ hệ trước thì ghi: Văn Đình - Đại Lang, do phổ hệ đã bị cháy nên việc tra cứu gặp khó khăn.
(*2) Không rỏ được danh tánh và cấp nào, nhưng theo đó thì những bộ hài cốt mà Ngài mang theo vào, hẳn là hài cốt của cha, mẹ ( và Vợ? ) mới phải mang theo như thế.(Văn Đình Xuân)
Thời điểm chia thành 5 Phái:
Lời dẫn.
        Trãi qua những thế hệ phấn đấu cho sự sinh tồn để bảo toàn huyết thống, dòng tộc. Đến thế hệ thứ 4. Khoảng 100 năm sau, họ tộc Văn Đình đã được chia làm năm phái,  con cháu họ tộc đã phát triển ngày càng đông lên, hằng năm Chạp / Giỗ, không chu toàn được trong việc chăm sóc cháu chắt, nên các Ngài chia thành 5 Nhánh, thỉnh 5 vị thế hệ thứ 4 đứng đầu cho 5 Nhánh theo thứ tự; Anh Cả, Nhánh 1, em kế là Nhánh 2, em kế nữa Nhánh 3, em thứ Tư là Nhánh 4, và em thứ Năm là Nhánh 5. Kể từ đây hằng năm vào ngày Mồng 4 tháng 8 Âm Lịch, sau khi chăm sóc Phần Mộ của Tổ Tiên ( Chạp mộ, những mộ phần thuộc hàng Tiên Tổ, kể từ các Ngài đã sanh ra 5 vị nay đứng đầu 5 Nhánh trở về trước) thì có lễ tế chư vị liệt tổ. Sau đó thì các Nhánh chăm sóc Mộ (Chạp mộ) của các Nhánh và đều có tế lễ.
        (Hiện nay phần mộ của chư vị đứng Đầu 5 Nhánh trên, được quy về an vị chung một lăng gọi là: "Lăng 5 Nhánh", ở vị trí Độn Bồ về hướng Tây Nam.)
Ghi Chú:
     Tộc Văn Đình làng An Bằng xã Vinh An huyện Phú Vang, qua gia phả của Ông Văn Đình Cường đăng trên: http://vietnamgiapha.com gồm có năm Phái. Cho đến nay (thời điểm chuẩn bị xuất bản tập PHẢ KÝ TỘC VĂN TT-HUẾ) chúng tôi chỉ truy cập được phả hệ của Phái Nhì và phả hệ của Phái Nhì gồm có 4 Chi, có Chi Nhì khuyết tự  vậy chỉ còn lại 3 Chi. Ở đây BBT chỉ truy cập được Chi Nhất của Phái Nhì và từ đời thứ 5 trở về sau, còn từ đời thứ 1 đến đời thứ 4 sẽ truy cập khi có thong tin đầy đũ ( BBT)
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây