GIA PHẢ CÓ 1219 THÀNH VIÊN

HỌ VĂN LÀNG HÀ TRUNG-VINH HÀ-PHÚ VANG

Photo   
  • Tự Đường Tộc Văn Viết

A.-LỜI NÓI ĐẦU

文族世系譜誌
 
辛卯年孟秋. 文曰善-敬拜誌
且! 物本乎天,人本乎祖.無論何辰代何人族莫不崇拜之追道之,以至建庙設壇碑鑒封墓無非敬本起見.
金奉究之.
文族始祖與省內各族始祖, 隨御駕黎朝而來,開拓封疆建成鄉社,同其來即同其世也. 但遇有水火天災或戰爭殘破.舊譜不存.從前先祖世紀蒲編竹簡幾幾.干與玉石俱焚矣何?  向上事跡只得傳聞,本無譜系所著.但里有可據不敢闕失. 倖江山護持, 前先祖世尚存遺編譜集.
金者會仝族文-河中村-富榮縣-    承天省,摘抄依本譜族文七派,始敘上祖名號分明,繼自
貴公世次照然歷歷可考撫.
今思昔甚屬關懷.
窃念:
.使山天鴈宅- 我世祖既成肇造之謀而.
.順化奠勼居- 我世貴公亦盡繼承之義.
.祖德尊功何可量也?
.千秋文族赫赫煌煌,
.一道孝忠辰辰奉事
.為子孫文宗不隆其所自始乎?!
 
 Dịch âm
Văn Tộc Thế Hệ Phổ Chí
 
Thả! Vật bổn hồ Thiên, Nhân bổn hồ Tổ. Vô luận hà thời đại hà nhân tộc mạc bất sùng bái chi truy đạo chi, dĩ chí kiến miếu, thiết đàn, bi giám, phong mộ vô phi kính bổn khởi kiến.
Kim phụng cứu chi.
Văn Tộc Thủy Tổ dữ tỉnh nội các Tộc Thủy Tổ.Tùy ngự giá Lê Triều nhi lai, khai thác phong cương kiến thành hương xã, đồng kỳ lai tức đồng kỳ thế dã. Đản ngộ hữu thủy hỏa thiên tai, hoặc chiến tranh tàn phá……cựu phổ thất tồn. Tòng tiền Tiên Tổ thế ký bồ biên trúc giản ki ki. Can dữ ngọc thạch câu phần hỷ hà? Hướng thượng sự tích chỉ đắc truyền văn, bản vô phổ hệ sở trứ. Đản lý hữu khả cứ bất cảm khuyết thất.
Hạnh giang sơn hộ trì, tiền Tiên Tổ thế thường tồn di biên phả tập.
Kim Hội Đồng Tộc Văn-Hà Trung thôn-Phú Vang huyện-Thừa Thiên Tỉnh trích sao y bản phả Tộc Văn thất Phái. Thủy tự Thượng Tổ danh hiệu phân minh kế tự Quý Công dĩ hạ thế thứ chiếu nhiên lịch lịch khả khảo mô.
Kim từ tích thậm thuộc quan hoài.
Thiết niệm:
       -Sứ Sơn thiên nhạn trạch- Ngã Thế Tổ ký thành triệu tạo chi mưu nhi.
-Thuận Hóa điện cưu cư- Ngã Quý Công diệc tận kế thừa chi nghĩa.
-Tổ đức tôn công hà khả lượng dã?
-Thiên thu Văn Tộc hách hách hoàng hoàng.
-Nhất đạo hiếu trung thời thời phụng sự
-Vi tử tôn Văn tông bất long kỳ sở tự thủy hồ?!

Dịch nghĩa
Văn Tộc Thế Hệ Phổ Chí
Ôi !
Gốc của vạn vật ở Trời; Gốc của con người ở Tổ. Bất luận thời đại nào, con người thuộc dòng họ nào không thể không sùng bái theo đuổi đạo lý đó. Cho đến việc tạo miếu, dựng đàn, đắp mộ, khắc bia để ghi nhớ là việc cần kíp không thể không kính đối với cội nguồn.
Nay phụng xét tìm.
Thủy Tổ Họ Văn ta cùng các Thủy Tổ các Họ khác trong tỉnh. Theo ngự giá Triều Lê mà đến, khai thác bờ cõi, tạo thành làng xã, cùng đến tức đồng thế vậy. Nhưng gặp thủy hỏa thiên tai, hoặc chiến tranh tàn phá phổ cũ không còn, do vậy các đời tiền Tiên Tổ đã mất, cho nên việc ghi chép có phần giản lược. Ngọc đá há cũng chịu cháy hay sao? Sự tích trước đây chỉ được nghe truyền, vốn không có phổ hệ chép rõ ràng. Nhưng những chứng lý đó có thể căn cứ không dám thiếu sót.
May thay sông núi hộ trì. Các tiền Tiên Tổ vẫn còn ghi chép truyền lại.
Nay Hội Đồng Văn Tộc-Hà Trung-Phú Vang-Tỉnh Thừa Thiên- trích sao y bản phả Tộc Văn của bảy Phái. Khởi đầu Thượng Tổ danh hiệu phân minh, kế tiếp đó là Quý công trở xuống thế thứ đều ghi chép rõ ràng, có thể xem đó là mô thức để khảo cứu mai sau.
Nghĩ chuyện xưa vẫn còn nhớ mãi.
-“SỨ SƠN THIÊN NHẠN TRẠCH”-Thế Tổ của ta đã thành di mưu triệu tạo;
-“THUẬN HÓA ĐIỆN CƯU CƯ”- Quý Công của ta cũng trọng nghĩa kế thừa.
Công đức của Tổ Tông sao lường hết được?
-Ngàn năm Văn Tộc rỡ ràng hiển hách;
-Một đạo hiếu trung đời đời thờ phụng.
Là con cháu của Văn Tông, có thể nói, từ Thủy Tổ không hưng thịnh ở nơi này hay sao?!
Văn Viết Thiện kính bái ghi
 
B.SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
                         I.-Thân thế
            a/- Nguồn gốc:
           Họ VĂN VIẾT tại làng Hà Trung huyện Phú Vang Thừa Thiên Huế, có nguồn gốc từ Phái Văn Giai (Thanh Khai-Thanh Chương-Nghệ An). Đến đời thứ sáu đến định cư tại Xã Hà Ngọc-Hà Trung-Thanh Hóa (theo gia phả tại Hà Ngọc-Hà Trung-Thanh hóa ghi vào khoảng năm 1400). Ngài Thủy Tổ Họ Văn Viết thuộc đời thứ ba tại Thanh Hóa (Tổng phả tại Thanh Hóa có 20-21 đời tính đến năm 2005) và thuộc đời thứ sáu tại Thanh Khai-Thanh Chương tại Nghệ An (Tổng phả tại Thanh Khai-Thanh Chương-Nghệ An có 23 đời). Theo tài liệu gia phả tại Hà Ngọc - Hà Trung - Thanh Hóa được sưu tầm thì Ngài Tổng Đốc húy  Dụ đã rời quê hương vào khoảng năm 1497-1500 cùng hai người em trai là ngài Cai Tri Phó Tướng húy Nhu và Văn Viết Nhân.
           b/- Thành lập làng:
            Vào thời kỳ Lê sơ (1428-1527) các cuộc di dân vẫn tiếp tục vào Châu Thuận Hóa. Hàng loạt các làng mới được thành lập. Một trong 39 làng mới thành lập thêm của Huyện Tư Vinh, Phủ Triệu Phong đó làng Bình Trị (Vĩnh Trị)-(huyện Tư Vinh có: 44 xã, 18 thôn 01 trang theo Nguyễn Trãi Địa dư chí). Đến năm 1553 trong Ô Châu cận lục của Dương Văn An thì huyện Tư Vinh có 67 xã thì không có tên Vĩnh Trị mà chỉ có Vinh Hoài, có phải chữ Hoài lại được thay tên, ví dụ như: Hoài Lai đổi thành Vu Lai, Vinh Hoài được đổi lại thành Vinh Hà  hay làng Hoài Tài được đổi tên là Mậu Tài v.v…vào triều các Chúa Nguyễn hay không? Song theo gia phổ của Họ được phụng sao vào năm Khải Định thứ 3 (1918)  ghi như sau: “Hiển tổ Văn Viết Tô, tố kỳ nguyên tắc tự Thừa Thiên phủ, Vĩnh Trị tổng, Hà Trung thôn.    
   顯祖文曰蘇.做其源則,自承天府,泳治總,河中社.而遊則見,廣南省,安溪村,結立傢居,徵雀田土,生下日繁,其世名字,恐後代,子孫鮮聞.而知之者.茲設立譜誌壹本,據次計列庶使,子子孫孫愊替引之焉耳 .
         奉計”
             Làng Hà Trung ngày xưa thuộc tổng Vĩnh Trị, huyện Tư Vang, phủ Triệu Phong, lộ Thuận Hóa (hay Thừa Tuyên Thuận Hóa?) Nay là làng Hà Trung, xã Vinh Hà, Huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng được thành lập do 06 Ngài Cai Tri của 06 họ sau:
1-    Cai Tri Phó Tướng Thắng Lộc Hầu Văn Quý Công Tôn Thần.
2-    Cai Tri Phó Tướng  Lãng Khê  Hầu Đặng Quý Công Tôn Thần.
3-    Cai Tri Phó Tướng Đông Triều Hầu La Quý Công Tôn Thần.
4-    Cai Tri Phó Tướng Phò Nam Hầu Trần Quý Công Tôn Thần.
5-    Cai Tri Phó Tướng Oai Lệ Hầu Mai Quý Công Tôn Thần.
6-    Nhị Vị Bùi Quý Công
(Theo hòm bộ làng Hà Trung)
        Trong đó Họ Văn được xướng danh đầu tiên trong những lần làng tế vào các dịp xuân, thu.
☻ Theo khẩu truyền thì Họ Văn là họ khẩn hoang lập làng đầu tiên và rất lâu sau các họ tộc khác mới đến. Điều này cũng dễ nhận thấy là làng Hà Trung có 06 thôn,  Họ Văn có mặt tất cả 06 thôn đó và hậu duệ mổi thôn theo gia phổ của các Phái đã có từ 15 đến 18 đệ thế. Và cũng theo truyền khẩu của các vị cao niên trong Họ thì tên làng là do Ngài Cai Tri Phó Tướng Thắng Lộc Hầu Văn Quý Công đặt tên. Có thể Ngài lấy tên làng tại Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa nơi quê hương của Ngài để đặt tên cho vùng đất mới do tự tay Ngài khai khẩn, để cho con cháu hậu duệ biết được nguồn gốc quê hương của họ tộc mình.
 ☻Có một khẩu truyền vế sau cho rằng: Do tính cách của vị trí địa lý của làng:
-   Phía Đông giáp: Phá Tam Giang.
-   Phía Tây giáp: Xã Vinh Thái + Đầm Cầu Hai.
-   Phía Nam giáp: Đầm Cầu Hai.
-   Phía Bắc giáp: Xã Vinh Phú + Phá Tam Giang.
    Do bốn hướng đều có Đầm Cầu Hai và Phá Tam Giang bao bọc nên được đặt tên là Hà Trung (河中) (vị trí ở giửa sông nước).
Song cho đến nay từ trong Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An viết vào năm 1553 hoặc trong địa bạ của làng Hà Trung vẫn chưa ai biết rõ xuất xứ của chữ Hà Trung và ở vào thời kỳ nào?
Theo phả của Họ Văn Viết Hà Trung. Vào năm 1497 năm Hồng Đức thứ 28 vào thời kỳ Vua Lê Thánh Tông, Ngài Văn Viết Dự và em trai thứ ba của Ngài là Văn Viết Nhu vào đất Thuận Hóa để trấn giử và khẩn hoang lập làng tại vùng biên cương phía Nam của Đại Việt. Sau đó đưa mẹ và gia đình của người em trai thứ hai là Văn Viết Ngày vào định cư lập nghiệp. Do hai Ngài trên không có người nối tự, nên hiện nay gia phả của Họ Văn Viết Hà Trung do Ngài Văn Viết Nhân đứng đầu.
Còn  hai Ngài khai phá đầu tiên, sau khi cáo lão hồi quan, do có nhiều công lao đối với đất nước với nhân dân.
Được triều đình Chúa Nguyễn (Nguyễn Hoàng) phong sắc như sau:
* Ngài Văn Viết Dự, sắc phong:
-         Đại Nam Tiên Triều Tổng Đốc Kiêm Long Hầu Văn Quý Công Tôn Thần.
大  南  前  朝  總  督  兼  龍  侯  文  貴  公  尊 神
* Ngài Văn Viết Nhu, sắc phong:
-   Cai Tri Phó Tướng Thắng Lộc Hầu Văn Quý Công Tôn Thần.
該 知 副 相 勝 祿 侯  文 貴 公 尊 神
     Được trí tự điền ( 07 sào) và lập miếu thờ, dân làng phụng cúng trong các lễ Thanh minh và xuân, thu hàng năm. Cho đến năm 1975 số ruộng trên đã sung vào tài sản nhà nước đem phân chia cho dân làng, và họ tộc đã thỉnh Linh Vị của hai Ngài về phụng thờ tại tự đường Đại tôn.
Cho đến nay họ Văn tại làng Hà Trung đã trở thành một đại tộc trong làng, có từ 18-19 đệ thế, nếu tính cứ 25-30 năm cho mổi đệ thế có thể khoảng niên đại của sự hình thành Họ Văn Hà Trung vào các năm 1500-1520.
              II.- Sự Nghiệp
            a/- Dân số:
       Họ VĂN VIẾT tại làng Hà Trung huyện Phú Vang Thừa Thiên Huế, có nguồn gốc từ Phái Văn Giai (Thanh khai-Thanh Chương-Nghệ An). Đến đời thứ sáu đến định cư tại Xã Hà Ngọc-Hà Trung-Thanh Hóa (theo gia phả tại Hà Ngọc-Hà Trung-Thanh hóa ghi vào khoảng năm 1400). Ngài Thủy Tổ Họ Văn Viết thuộc đời thứ ba tại Thanh Hóa (Tổng phả tại Thanh Hóa có 20-21 đời tính đến năm 2005) và thuộc đời thứ sáu tại Thanh Khai-Thanh Chương tại Nghệ An (Tổng phả tại Thanh Khai-Thanh Chương-Nghệ An có 23 đời). Theo tài liệu gia phả tại Hà Ngọc - Hà Trung - Thanh Hóa được sưu tầm thì Ngài Tổng Đốc Văn Viết Dụ đã rời quê hương vào khoảng năm 1497-1450 cùng hai người em trai là ngài Cai Tri Phó Tướng húy Nhu và Ngài Văn Viết Nhân(Người-Ngày).
        Do Ngài Tổng Đốc là quan ở trong triều phải “tịnh thân” nên vô tự. Sau một thời gian mới đưa em kế là Thủy Tổ Văn Viết Người húy Nhân vào lập nghiệp. Cho đến nay tại Hà Trung- Phú Vang đã có từ 17 đến 18 đệ thế. Hiện nay Họ Văn Viết Hà Trung đang có 4 thế hệ cùng nhau phụng sự Tôn Tộc.
        Theo thống kê đến tháng 12 năm 2010. Tổng số con cháu trong Tộc Văn Viết có: trên 1000 người cả nam lẫn nữ. Trong đó:
 1/- Về độ tuổi:
-         Từ 80- 90 trở lên : có 2% dân đinh trong họ.
-         Từ 70-80 : có 10% dân đinh trong họ.
-         Từ 60-70 : có 40% dân đinh trong họ.
-         Còn lại hơn 50% là trong độ tuổi học sinh và lao động chính .
2/- Về học vấn:
-         Phổ thông cơ sở: có 50% dân đinh trong họ.
-         Phổ thông trung học: có 43% dân đinh trong họ.
-         Đại học: có 5,3% dân đinh trong họ.
-         Trên đại học: có 0,7% dân đinh trong họ.
3/- Về kinh tế:
-         Nông ngư nghiệp: có 50% dân đinh trong họ.
-         Thương nghiệp và các dịch vụ khác: có 30% dân đinh trong họ.
-         Hành chánh sự nghiệp: có 20% dân đinh trong họ.
               III.- Địa bàn dân cư:
        1/- Sự phân tán dòng tộc
Gồm các nguyên nhân chủ yếu sau đây:
        a.- Chiến tranh và Thiên tai:
         -Vào các năm Nhâm Thân 1752 hay năm Giáp Ngọ 1774 và Ất Sửu 1775. Tại Thuận Hóa gặp thiên tai hạn hán, dịch bệnh đậu mùa, nạn đói lớn xảy ra, xác người chết đầy đường, lại thêm cuộc chiến giửa Trịnh-Nguyễn vào tháng 10 năm 1774. Quân Trịnh tiến vào Đàng Trong dễ dàng. Chúa Nguyễn Phúc Thuần phải triệu Tôn Thất Nghiễm đang chống giữ Tây Sơn ở mặt Nam về đối phó với quân Trịnh. Sau khi vượt sông Gianh vào tháng 11 quân Trịnh đánh chiếm đồn Cao Lao, dinh Bố Chính, dinh Lưu Đồn, dinh Trạm và dinh Cát (Quảng Bình-Quảng Trị-Thừa Thiên ngày nay). Chúa Nguyễn ở tình thế nguy ngập, phải giao nộp quyền thần Trương Phúc Loan và vàng bạc cho tướng nhà Trịnh là Hoàng Ngũ Phúc để xin quân Trịnh bãi binh nhưng quân Trịnh vẫn tiếp tục tiến đánh. Quân Trịnh chiếm thành Phú Xuân. Chúa Nguyễn Phúc Thuần mang gia quyến chạy vào Quảng Nam.
Họ Văn ta vào giai đoạn đó có Ngài Cai Tri Phó Tướng cùng các con cháu của Ngài cũng sơ tán vào Quảng Nam và định cư ở thôn An Khê, tổng Bình Thái, huyện Hòa Vang, Phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cho đến nay cũng đã trên dưới 250 năm và hậu duệ tại đây đã có từ 10 đến 11 đời. (số đệ thế được tính từ Ngài Văn Viết Tô thuộc đời thứ VII của Họ.
         b.- Sự tư hữu và Kinh tế :
Tư tưởng gia trưởng của các triều đại phong kiến đã đi sâu vào trong tư tưởng của con người, cũng như đã nói ở trên sự tư hữu về của cải vật chất cũng như tinh thần đã nảy sinh ra mâu thuẩn trong nội bộ thân tộc, hoặc do kinh tế khó khăn phải ly hương kiếm sống, lâu ngày không thể trở lại cố hương, dần dần qua nhiều đời, nhiều thế hệ đã lập thanh một chi phái, thậm chí còn gọi là Họ riêng cho mình.
 2/- Địa bàn sinh sống
 Đời sống con dân trong Tộc Văn Viết hầu hết được ổn định, không có hộ nghèo khó, và đã an cư lạc nghiệp, sinh sống rãi rác trong Tỉnh, trong nước và nước ngoài như sau:
-         Trong Tỉnh: tại các huyện như: Huyện Phú Vang (tại các xã: Vinh Hà, Vinh Hưng), Huyện Hương Thủy (tại các xã: Thủy Thanh, Lương Văn, Thủy Châu, Thủy Phù), Huyện Phú Lộc (Vinh Hiền, Lộc Thủy).
-         Ngoại Tỉnh: Thành Phố Đà Nẵng (Thanh Khê). Quãng Nam (Xã Phú Thọ-Quế Sơn)
-         Ngoài ra còn sồn rãi rác ở các tỉnh và thành phố khác như: Tp Hồ Chí Minh, Gia lai, Daklack. Kontoum v.v… và nước ngoài (Anh, Mỹ)
(Thống kê các địa bàn con dân Tộc Văn Viết đã định cư từ 6 đời trở lên)
 C.- PHẦN CÁC PHÁI, CHI
          Vào khoảng thời Lê Cảnh Hưng (1742), các năm Nhâm Thân (1752),Giáp Ngọ (1774) hai nạn đói lớn xảy ra tại Thuận Hóa, xác chết đầy đường, nhân dân ly tán. Hay trong cuộc chiến tranh Trịnh-Nguyễn một số Tiên Tổ làm quan trong triều Chúa Nguyễn Phúc Thuần, đã cùng con dân Văn Viết Tộc sơ tán khắp nơi để lánh nạn, kiếm sống. Chỉ còn lại tại Hà Trung ba bốn phái, song mỗi phái chỉ có một hai chi, còn lại di tha phương và cho đến mãi về sau này mới quy tụ được, nhưng vẫn chưa đầy đũ con cháu của bảy Ngài Thủy Phái có tên trên. Nay các vị Tiên Tổ được kê sau có một số Phái tương đối rõ ràng đầy đũ, còn một số Chi, Phái do các Ngài Tiên Tổ đời trước không ghi lại (lý do cũng như đã trình bày trong phần đầu của Phả Ký). Dù không được thông suốt mạch nguồn. Chúng tôi cũng xin ghi vào đây để tiện cho các đời sau dễ truy tầm, nghiên cứu.
Hiện nay các hậu duệ Văn Viết Tộc Hà Trung-Phú Vang đã có từ 17 đến 18 đời,  đang sinh sống tại các địa phương như sau:
 -Tại Cầu Hai Phú Lộc là hậu duệ của Ngài Tiên Tổ Văn Viết Quế làm Thủy Phái thuộc Phái Sáu.
-Tại Vinh Hưng,Vinh Hiền và Hà Trung II là hậu duệ của Ngài Văn Viết Định, đời thứ IV làm Thủy Phái thuộc Phái Nhất.
-Tại Lợi Nông- Hương Thủy và Phú Thượng-Phú Vang là hậu duệ của các Ngài Văn Viết Huy và Văn Viết Kha đời thứ VII làm Thủy Chi thuộc Phái Nhất.
-Tại Thanh Khê Đà Nẵng là hậu duệ của Ngài Văn Viết Lương. đời thứ IV làm Thủy Phái, thuộc Phái Ba.(do Ngài Văn Viết Hành không rõ tông tích nên nay gia phả được ghi là Phái Nhì)
- Tại Quãng Nam ở hai huyện Duy Xuyên và Đại Lộc có hai Chi Phái Văn Viết là hậu duệ của Ngài Văn Viết Câu đời thứ VIII làm Thủy Chi, chưa rõ Phái nào ?
- Còn tại quê hương có bốn phái gồm : 01 Chi của Phái Nhất, Phái Nhì, 01 Chi của Phái Ba, Phái Tư và Phái Năm. Song con cháu các đời sau của các Chi, Phái trên sống rải rác các tỉnh, thành phố có nhiều nơi đã có đến 7-8 đệ thế.
Mặc dù do nhiều hoàn cảnh kinh tế, chiến tranh hay thiên tai dịch bênh …. mà phải ly hương, song mộ phần của Ngài Trưởng các Phái, các Chi cũng đều an táng tại quê hương. Cho nên hàng năm đến ngày Đông Chí con cháu các Chi, Phái ở phương xa đều tề tựu dâng hương, tảo mộ đồng đũ.
Tại nhà thờ Họ hàng năm có các ngày húy kỵ sau :
1.- Ngày Đông Chí.- Ngày lễ tế Tổ và các Liệt vị Tiên tổ (thường gọi là chạp Họ lớn)
2.- Ngày hiệp kỵ - Ngài Thủy Tổ, các Ngài Thủy Phải và các Liệt Vị Tiên Tổ vô tự - vào ngày 02 tháng 12 âm lịch .
3.- Ngày kỵ của Ngài Tổng Đốc vào ngày 29 tháng 3 âm lịch.
4.- Còn các Chi, Phái có ngày hiệp kỵ và chạp riêng của từng Chi, Phái của mình.
Riêng Phái nhất của chúng ta hàng năm có các ngày lễ kỵ như sau:
1.- Ngày Hiệp kỵ được Phái thống nhất vào ngày 14 thàng 7 âm lịch hàng năm và cứ ba năm lại tổ chức Hiệp tế lớn để con cháu nội ngoại xa gần tề tựu đông đũ. Phái chọn ngày này cũng là mùa báo hiếu vậy.
2.- Ngày húy Ngài Thế Tổ vào ngày 22 tháng 9 âm lịch hàng năm.
3.- Ngày Chạp Phái : ngày trước chon ngày húy Ngài Thế Tổ (22-9 âl). Nhưng về sau này, do điều kiện kinh tế, con cháu trong Phái đi tha hương làm ăn, vã lại vào tháng ấy  mưa gió bão lụt, vấn đề làm  ăn sinh sống của con cháu không thể tập trung được, nên Phái đã họp bàn và lấy ngày Lễ Tiết Thanh Minh làm ngày tảo mộ.  Đó là ngày 16 tháng giêng âm lịch hàng năm.
Ngoài các ngày trên hàng tháng các ngày rằm và mồng một đều có người hương khói.
Họ Văn Viết tại làng Hà Trung Phú Vang có thêm một truyền thống lâu đời là : ngoài các ngày húy kỵ và chạp chung của Họ, các Chi, Phái khác đến ngày chạp của Chi, Phái mình đều có sự tham dự của các trưởng Chi, Phái và Trưởng họ đến dâng hương. Hàng năm đến ngày mồng một Tết Nguyên đán, các trưởng Chi, Phái đến dâng hương Tiên Tổ tại Từ Đường rồi cùng nhau đi dâng hương và thăm hỏi tại nhà thờ các Chi, Phái .
  
         
           
Dịch âm
 
Thiên lý vân diêu đôn đốc nhất đường chi tụ
Bách thế tuy viễn hữu do đồng thất chi thân
 
Dịch nghĩa
 
Ngàn dặm trời mây hãy gọi nhau về họp mặt
Trăm đời tuy xa tình thâm tộc vẫn một nhà
 
GHI CHÚ

- Hiện nay Họ Văn tại làng Hà Trung-Vinh Hà-Phú Vang đã có từ 17 đến 18 đệ thế, mỗi Chi Phái đã có nơi thờ tự và cúng bái riêng. Tại nhà thờ Đại Tôn chỉ có những ngày lễ lớn như đã trình bày ở trên. Cho nên Gia Phả chung của Họ chỉ ghi đến đời thứ 10 và 11. Khi đưa lên trang hovanvietnam.com chúng tôi chỉ cập nhật đến đời thứ 11. Riêng Phái Nhất sẽ được cập nhật đến đời thứ 17, song cũng chưa được đầy đũ lắm, vì các Chi chỉ gởi đến cho Phái phần sinh hạ chỉ có Nam mà thôi. Mong quý Ông Bà Cô Bác Anh Chị Em thông cảm.
- Phần thể hiện cụ thể như sau:
 * Từ đời thứ I đến đời thứ X, được phụng sao theo gia phả phụng tu vào năm Khải Định thứ III (Mậu Ngọ 1918)
 * Phái Nhất: Chúng tôi chỉ thể hiện được từ 15-16 đệ thế song cũng chư đầy đũ, do gia phả trên 5 năm chưa phụng tu.
  * Phái Nhì:  Chúng tôi chỉ thể hiện được từ 13-14 đệ thế song cũng chư đầy đũ, do gia phả của Phái nầy đã lập thành một Họ khi định cư tại An Khê Đà Nẵng.
 * Phái Ba: Chúng tôi chỉ thể hiện được từ 12-16 đệ thế song cũng chư đầy đũ.
 Phái Tư: Chúng tôi chỉ thể hiện được từ 11-12 đệ thế song cũng chư đầy đũ. Chỉ có Chi cư ngụ tại Hà Trung ,song vẫn còn thiếu nhiều
 Phái Năm: Chúng tôi chỉ thể hiện được từ 13-14 đệ thế song cũng chư đầy đũ.
 Phái Sáu: Chúng tôi chỉ thể hiện được từ 11- đệ thế song cũng chư đầy đũ. 
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây