Thứ ba, 19/03/2024, 04:16

Bốn kỷ vật của Đại tướng Văn Tiến Dũng

Thứ bảy - 30/06/2012 02:56 7.744 0
Đại tướng Văn Tiến Dũng được giao trọng trách chỉ đạo trực tiếp nhiều chiến dịch lớn: từ chiến dịch Đường 9 Nam Lào (1971), Trị Thiên (1972), Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên (1975), Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh (4/1975)... Cũng bởi thế, ông là vị tướng đã để lại khá nhiều kỷ vật cho Bảo tàng Quân đội Việt Nam. Mỗi kỷ vật ông để lại, là một câu chuyện giản dị nhưng đầy ý nghĩa.

Những chuyện chưa biết về các kỷ vật
của tướng lĩnh Việt Nam :

 

Bai 3 Bon ky vat cua Dai tuong Van Tien Dung
 
Ngay cả lúc chỉ huy chiến dịch ông cũng đội “mũ mềm”
 

Tướng ra trận mang theo... nồi

Sinh ngày 2/5/1917, ở xã Cổ Nhuế (Hà Nội), ngoài cái tên Văn Tiến Dũng, ông còn có bí danh Lê Hoài. Hoạt động cách mạng từ thời còn đang là anh công nhân của Xưởng dệt Hà Nội. Sau này, có lần ông tâm sự: “Chuyện tôi theo cách mạng cũng là chuyện tình cờ. Thời ấy, Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939) sôi nổi lắm, phong trào công nhân đấu tranh đòi tự do, dân chủ càng mạnh, nó cứ hút mình vào...”. Ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương khi vừa tròn 20 tuổi. Nhìn cái vẻ thư sinh của chàng trai gốc Hà Nội, không ai nghĩ, cậu thanh niên Văn Tiến Dũng lại là một người Cộng sản gan lì có tiếng. Trong đời hoạt động của ông, hơn ba lần bị giặc Pháp bắt giam, từng bị chúng kết án tử hình vắng mặt...

Đầu những năm 1990, một số nhân viên Bảo tàng Quân đội đến nhà ông xin số ảnh ông chụp chung với Bác Hồ để trưng bày. Gạ mãi, ông dẫn chúng tôi đi thăm phòng lưu giữ những kỷ vật suốt thời kỳ hoạt động cách mạng: từ những kỷ vật thời kỳ ông làm Uỷ viên Thường vụ Uỷ Ban Quân sự Cách mạng Bắc Kỳ (Bộ Tư lệnh Quân sự miền Bắc Đông Dương), thời kỳ chỉ đạo vũ trang giành chính quyền ở các tỉnh Hoà Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá tháng 8/1945... đến những kỷ vật của thời kỳ ông là Cục trưởng Cục Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam, Phó bí thư Quân uỷ Trung ương. Và nhất là những kỷ vật thời kỳ đầu năm 1948, khi ông được phong quân hàm thiếu tướng, lúc mới 31 tuổi.

Mỗi kỷ vật của ông, đều gắn với một câu chuyện đời thường nhưng đầy ý nghĩa. Chỉ tay vào hai chiếc nồi, ông kể: “Cuối năm 1974, đầu năm 1975, ăn tết xong, tôi trực tiếp đi thị sát chiến trường Tây Nguyên, để chuẩn bị cho chuyến đi, người cần vụ mang theo hai chiếc xoong (một xoong có cán, một không). Vào đến Quảng Bình thì người dân tặng tôi một con gà mái làm thịt, chú cần vụ định giết thịt luôn, nhưng tôi bảo “chú đừng thịt mà cứ mang theo”. Chú cần vụ cho gà vào lồng xách. Trên đường vào chiến trường, lúc đi xe, khi đi bộ. Dừng chân ở đâu thì cần vụ lại cho gà ăn, để nó đẻ trứng. Trong khẩu phần ăn ở chiến trường hồi đó, dù mình là Đại tướng, Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh nhưng cũng chỉ toàn lương khô và thịt hộp. Nên gà đẻ trứng nào thì cần vụ lại hấp trứng với cơm, coi như đó là một bữa ăn tươi”. Con gà mái đẻ ấy là nguồn sản sinh trứng bồi dưỡng cho Đại tướng trong suốt chiến dịch Tây Nguyên.

“Tướng mũ mềm”

Những người ở gần ông thường thấy tướng Dũng gắn bó rất chặt chẽ với chiếc mũ lưỡi trai mềm: kể cả khi đi họp, lúc ở chiến trường...thì ông đều đội. Bởi thế, có người vẫn thân thiện gọi ông là “Tướng mũ mềm”. Khi ông đã nghỉ, nhân viên bảo tàng đến hỏi xin chiếc mũ mềm mà ông vẫn thường đội về trưng bày, ông bảo “đó là vật bất li thân, làm sao cho được”. Rồi ông kể: “Năm 1965, máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc, ông đi thăm các đơn vị bộ đội pháo cao xạ ở Khu 4. Nắng Khu 4 cháy bỏng, nhưng bộ đội trực chiến phải ngồi trên mâm pháo, dưới cát nóng, trên trời nắng cháy, nhưng chiến sỹ lại phải đội trên đầu mũ sắt. Hỏi “anh em đội mũ sắt có nóng không?”, anh em bảo cũng nóng, lại hỏi “thế có chịu được không?”, trả lời “chịu được!”. Sau chuyến đi ấy, hình ảnh những người lính pháo binh phải đứng giữa trời chống chọi với cái nóng cứ ám ảnh ông mãi. “Tôi cứ day dứt, phải nghĩ ra cái gì đó bọc chiếc mũ sắt cho anh em đỡ nóng”, ông tâm sự. Ông liên tưởng đến chiếc mũ mềm, có lưỡi trai cứng bên ngoài của quân đội Pháp. Rồi quân đội của một số nước cũng có chiếc mũ lưỡi trai kiểu như vậy. Nghĩ vậy, ông gọi Cục quân trang lên hỏi: “Các anh xem có thể cải tiến được cái mũ không?”, rồi ông gợi ý những kiểu mũ có lưỡi trai của quân đội các nước. Cục quân trang về may một chiếc mũ cho ông đội thử, ông khen: “Thế này là tốt, chỉ cần chỉnh sửa chút ít và gắn sao vàng phía trước là đẹp”. Đội bình thường cái lưỡi trai có thể che nắng phía trước đỡ chói mắt, còn khi cần chỉ cần quay lưỡi trai ra phía sau thì sẽ che nắng được sau gáy. Từ đó, khắp các chiến dịch Tây Nguyên, Hồ Chí Minh, đi đâu ông cũng đội mũ mềm. Tại Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn miền Nam 1966-1967, chiếc mũ mềm bắt đầu được sản xuất hàng loạt cho bộ đội. Chiếc mũ được giữ trong quân đội đến năm 1992, thì được thay bằng mũ kêpi.

Và đôi giày vạn dặm

Chị Trần Thanh Hằng, nhân viên Bảo tàng Quân đội kể rằng, trong một lần đến xin tướng Dũng những đôi giày mà

 

ông đã đi trong các chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh về làm vật trưng bày, mới nghe được câu chuyện khá thú vị: trong suốt những chiến dịch ấy, Đại tướng chỉ sử dụng đúng một đôi giày, do chính ông đặt một người thợ ở Hà Nội đóng. Hỏi vì sao? ông nói: “Vì kiểu chân tôi hơi khác loại, nên không đi được giày theo cỡ chung mà phải đặt đóng”. Cũng chính thế, ông rất quý đôi giày đó. Trong suốt các chiến dịch mà ông trực tiếp chỉ huy, đôi giày đã được ông thay đế đến 5 lần. Cứ mòn đế ông lại đóng lại. “Chúng tôi phải năn nỉ mãi, Đại tướng mới “rút ruột” mang đôi giày tặng bảo tàng”, chị Hằng nói.

Trước khi mất, tướng Dũng còn tự tay mang tặng Bảo tàng Quân đội khẩu súng ngắn K59, do Liên Xô viện trợ giúp Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, được Bộ Tổng tham mưu trang bị khi ông làm Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Khẩu súng ấy được ông dùng từ năm 1970 để tự vệ trên đường đi công tác tại các chiến trường. Ông bảo: “Tuy khẩu súng được ông mang theo trong suốt các chiến dịch, nhưng chưa khi nào ông phải dùng nó”. Một lần, nhân ngày 30-4, ông đến Bảo tàng mang theo bộ quân phục, còn nguyên cả quân hàm Đại tướng tặng Bảo tàng. Sau đó một năm thì ông mất...

Bá Kiên - Trần Dương

Việt Báo (Theo_Tien_Phong)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

global block facebook comment box
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây